Trai ngoan thoát ế- Phần 18

Lại một mùa thu nữa lại sang, mùa thu ở Việt Nam trời lại thường có bão, chút nắng đẹp trong ngày lại báo hiệu cho một cơn bão nữa sắp đến, thông thường thời tiết trước hôm bão đến lại vô cùng đẹp, đúng là chẳng thể hiểu được chút nắng chan hòa thế này lại là mở đầu cho những ngày sắp bão, do dự báo bão lớn sẽ về nên mọi người hôm nay đều được nghỉ, nằm trong phòng xoay qua xoay lại rồi mắt hướng về khung ảnh treo trên tường, một bức ảnh gia đình cũ, tự dưng thấy mình có chút nhớ nhung về tuổi thơ, có chút tiếc nuối về thời ấu thơ đi qua mất.

Phần 18: TRUNG THU

Ngày xưa ở một làng quê nghèo, nơi mà những đứa trẻ con thường chơi trò năm mười, tắm sông và đuổi nhau trên cánh đồng cùng nhau làm những cánh diều và thả cho nó bay cao bay xa chinh phục lấy không gian bao la của trời xanh. Tuổi thơ của tôi đã trôi qua thật em đềm ở nơi đó.

Cũng như đứa trẻ khác, tôi ngày ấy luôn có cảm giác nôn nao và chờ đợi đến đêm Rằm để cùng lũ trẻ trong sớm nghêu ngao ca hát và đốt những chiếc lồng đèn đầy những sắc màu, đi loanh hoanh khắp làng xóm vào cái dịp Trăng tròn tháng Tám,… Tôi còn nhớ năm đó cha ở nhà lâu hơn mọi khi, thường thì một tháng cha về thăm mẹ và anh em tôi vài ngày sau đó lại đi lên Sài Gòn làm việc ở trên đó,… tôi cứ nghĩ lần này cha nhớ nhà nên ở lâu một tí. Rồi tôi lại ngạc nhiên khi cha không đi làm mà lại ở nhà nuôi 1 bầy vịt và ngày ngày lùa nó ra đồng… năm đó tình hình kinh tế khó khăn và cha tôi thất nghiệp đến giờ thì tôi mới biết…

Bầy vịt của cha nuôi cũng rất èo uột, chúng nó không được khỏe mạnh cũng lại lười ăn, chiều chiều tôi quăng cho chúng thêm một ít thóc chúng chẳng màng tranh nhau chỉ đáp lại tôi tiếp cạp cạp,... có khi tôi lại len lén bắt lấy một con ôm nó lên rồi xoa xoa cái đầu của nó, nhưng dù làm gì chúng cũng chẳng ngoan, nhiều con vì không ăn nên bị chết đến lúc bán thì còn chừng hơn nữa bầy tí xíu và cũng chẳng biết được bao nhiêu nhưng năm đó ba mẹ nuôi vịt lỗ lắm, mẹ gánh vịt ra chợ bán từng con, cha thì ngày ngày vẫn lùa chúng ra đồng rồi lùa trở về vẻ mặt đầy chán nản. Tôi lúc đấy cũng không biết là vì điều gì nhưng cũng chẳng dám hỏi nhiều mỗi chiều vẫn ngồi ở ngay khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời mưa, năm đó trời mưa to lắm, mưa trắng xóa cả cánh đồng, nước thì ngập lên cao cuốn giày dép và mấy cái thau ra ngoài sân hết.

Thời gian khó khăn ấy khiến anh em tôi cũng không dám vòi ba mẹ cái lồng đèn to như mọi năm nữa, năm nào cũng vậy, năm nào cha cũng mua cho anh em tôi cái lồng đèn vừa to vừa đẹp mà lũ trẻ trong xóm ai cũng phải ghen tỵ nhưng năm đó thì thấy cha với mẹ im re, không ai nói năng gì về cái lồng đèn, càng gần đến Trung thu lại càng thấy sốt ruột càng thấy khó chịu tôi cứ đi ra đi vô than ngắn thở dài cho đến khi tôi thấy cha ngồi cặm cụi đang ngồi đục 2 cái vỏ lon nước ngọt và ép nó thành từng chiếc lồng đèn, cha cẩn thận sơn lên cái vỏ lon đó 1 màu đỏ và cột những sợi kẽm vào làm thành 2 chiếc lồng đèn màu đỏ, thấy tôi cha cười: Năm nay, nhà mình hết tiền, cha làm cho tụi con chơi , năm sau cha mua bù cho con 1 cái to hơn nhé… câu nói đó và chiếc lồng đèn đó ở mãi trong tâm trí tôi theo tôi từ lúc còn là 1 cậu học sinh nhỏ xíu đến bây giờ, tuy nó không to và đẹp như như những chiếc lồng đèn ngoài tiệm nhưng nó là chứa đựng một tình yêu to lớn mà cha dành cho tôi, cha không quên ngày Tết của tôi và cha vẫn lặng lẽ cùng chiếc lồng đèn ấy nuôi tôi khôn lớn như bây giờ, …

Thời gian lặng lẽ mới đây mà cái mùa trung thu ấy cách đây đã rất nhiều năm rồi, và tôi cũng không còn là một thằng nhóc vẫn hay bám lấy gia đình, những mùa trung thu trôi qua ghi lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm với những chiếc lồng đèn khác nhau, những sắc màu lung linh khác nhau nhưng với tôi chiếc lồng đèn bằng lon nước ngọt của mùa trung thu ấy vẫn là cái lồng đèn đẹp nhất mà tôi từng có và luôn mang lại cho tôi sự ấm áp mỗi khi nhớ đến.

20.12.2017
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét