Bọn trẻ không thể nào giống chúng ta

Khi bạn trưởng thành, cái ngây ngô của năm tháng thơ ấu của bạn không thể nào "áp đặt" cho bọn trẻ, chúng nó sẽ không thể cảm nhận được cuộc sống của chúng ta 10-15 năm về trước thời mà đèn điện chưa tới nhà, điện thoại còn chưa có và đương nhiên khi mà xung quanh toàn là ruộng với ruộng.


Cuộc sống càng hiện đại, con người càng xa cách nhau hơn, có những người ngày xưa từng rất thân thiết nhưng khi trưởng thành lại không giữ được sự thân thiết đó, chúng ta làm sao có thể giữ được họ khi ngay cả bản thân mình cũng đã khác đi rất nhiều cũng đã thay đổi hòa cùng sự thay đổi của mọi thứ xung quanh. Chúng ta khác đi để thích hợp với hoàn cảnh và sự đổi mới này, sẽ không có chuyện bọn trẻ leo lên lưng trâu rồi rượt nhau trên những cánh đồng lúa vừa cắt, sẽ không còn những đêm trung thu ngập tràn màu sắc những chiếc lồng đèn tự chế, sẽ chẳng có những đêm văn nghệ hay chiếu phim lưu động hay những đêm đèn dầu loe loét những con đường trời mưa nước ngập, những hôm nước ngập mò cua, mò cá. Bọn chúng sẽ không thể hiểu được khi sinh ra trong ánh đèn điện, không những có điện thoại ti vi mà còn có cả mạng xã hội. 

Bọn chúng dễ dàng tiếp nhận sự ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài ngay từ nhỏ rất nhiều loại sách, rất nhiều phim ảnh và rất nhiều kênh trình chiếu trên tivi bọn chúng có quyền chọn cho mình một phong cách mà chúng yêu thích khác biệt hoàn toàn với thế hệ của bạn của tôi tuổi thơ chúng ta chỉ có thể là Đôrêmon, là Dragonball, là Jindo là đá bóng chân trần là những bộ phim của A Tinh hay những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc thế nên bọn chúng sẽ không thể giống chúng ta được chúng sẽ khó thẩm thấu được cái tinh thần nghĩa hiệp và nghèo khó vươn lên của A Tinh vì cơ bản bọn trẻ không sinh ra trong sự khó khăn của những năm tháng cũ, chúng được sinh ra trong và trưởng thành trong thời đại mạng xã hội, thời đại của thông tin, chúng tin là mình xứng đáng hơn với những gì mà mình có, mà không thể hiểu rằng để có ánh đèn điện ở tận trước cửa nhà, để có cái smartphone sống ảo thì các thế hệ trước họ đã phải cố gắng thế nào.

Chúng có sự lựa chọn cách sống cho riêng mình và chúng ta không thể nào thay đổi điều đó, chúng ta cố gắng làm kinh tế bao nhiêu năm để mong đất nước trở mình, để không còn phải lo cái nghèo, cái đói để không chỉ ăn no mặc ấm mà còn ăn sang mặc đẹp để thế hệ sau mình có điều kiện phát triển hơn thế nhưng liệu chúng ta có bỏ quên gì không sau nhiều năm chạy theo tiền bạc, đó chính là giáo dục, đó chính là sức khỏe và lòng tự tôn của một đất nước. 

Chúng ta thấy tiêu cực xung quanh mình nhưng lại không đủ dũng cảm để nói, chúng ta thấy người khác gặp khó khăn giúp đỡ họ bằng nút like, chúng ta vô cảm trước cái xấu trước cái ác, chúng ta đã thay đổi nhiều đến như vậy thì trách thế nào thế hệ sau của mình cũng sống ảo, cũng vô cảm trước mọi thứ đang xảy ra quanh chúng. Thay vì phán xét chúng thế nào, chúng ta hãy xem lại mình đã thay đổi thế nào và mình đã làm những gì, ngần ấy năm chạy theo kinh tế làm kinh tế và thu hút đầu tư bằng mọi giá đã để lại những thảm họa về môi trường sống, thế hệ sau sẽ trách chúng ta thờ ơ phá hủy môi trường sống của nó nhiều hơn là biết ơn chúng ta đã mua cho chúng hoặc là có khi chúng sẽ lại giống chúng ta vì kinh tế mà sẵn sàng làm hết mọi thứ bỏ qua cả sức khỏe và lòng tự tôn của dân tộc, của đất nước. 

Chúng ta đã quên việc mình phải giáo dục con em mình thế nào mình muốn chúng nó ăn ngon mặc đẹp nhưng chúng ta đã dạy chúng cách để sống, để tồn tại là như thế nào chưa, hay chúng ta chỉ mãi mãi mơ ước có những công dân tương lai đầy trách nhiệm, văn minh và hiện đại như Sing, Nhật, Bắc Âu mà đến giờ đó chỉ là ước mơ là sự nể phục, tại sao giáo dục chúng ta lại không thể sản sinh ra những công dân như thế đó là hậu quả của những năm chúng ta chỉ biết có kinh tế. Giáo dục con người trước tiên vẫn là lễ nghĩa rồi mới tới chữ viết con số, chúng ta sẽ chẳng thể đi tới đâu nếu giáo dục thế hệ tương lai bị xem nhẹ, chúng ta nợ chúng một nền giáo dục nhân văn và tiến bộ đã nhiều thế hệ cứ thí nghiệm chương trình giáo dục đã đến lúc chúng ta nhìn lại một cách đàng hoàng nghiêm túc về giáo dục thế hệ tương lai. 

Chúng không thể nào giống chúng ta và vì thế trách nhiệm của chúng ta là dạy dỗ và hướng dẫn chúng phát huy những điểm mạnh của chính mình trên một nền giáo dục nhân văn và tiến bộ, hãy thôi trách cứ bọn trẻ hư đốn thế nào, mà hãy xem lại cách mình đã giáo dục chúng thế nào, tương lai của một dân tộc bắt đầu từ việc giáo dục và sẽ luôn là như thế, mỗi thế hệ điều có trách nhiệm riêng của mình nhưng trách nhiệm giáo dục là không thể nào xao lãng được, bọn trẻ không giống chúng ta và chúng ta cần có trách nhiệm nhiều hơn với chúng.

18.04.2017
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét