Hướng nghiệp

Trước đây trong một lần HƯỚNG NGHIỆP cho các bạn khóa 10-13 lỡ miệng trót dại nói một câu hết sức ngu ngơ "Các bạn cứ học cái ngành mà mình thích, còn đi làm lại là một chuyện khác". Nếu nói đây là một câu nói đúng thì nó chẳng đúng rồi vì bỏ công sức ra học mà cuối cùng không làm việc trong ngành mình yêu thích thì chính là sự lãng phí rất lớn nhưng nếu không học ngành mà mình thích thì sau này sẽ là một sự ân hận lớn. 


Những năm 70 80 của thế kỷ trước- thời mà cha mẹ của mình còn bé xíu nhà nhà không đủ gạo để ăn, ai cũng phải ăn độn cơm với khoai với bo bo, công việc của người lớn khi ấy chủ yếu là chuyện đồng áng sáng sáng ra đồng tới chiều tối về nhà. Cách đây 20 năm, lúc mình còn nhỏ xíu rất nhiều người trong đó có cả ba phải xa quê tìm công ăn việc làm ở các trung tâm thành phố với các xưởng tư nhân tài lực và vật lực còn rất hạn chế dù là ngành công nghiệp hay là thủ công mỹ nghệ đều đòi hỏi rất nhiều công sức công việc chủ yếu là do sức người. Nhắc lại chuyện của nhiều chục năm trước để chúng ta thấy thế hệ ông bà cha mẹ mình đã sống thế nào để giải thích cho lý do vì sao ông bà nào cha mẹ nào cũng mong mỏi con em mình học hành đến nơi đến chốn với mong ước thế hệ sau tốt đẹp hơn thế hệ trước, học ngành gì cũng được miễn nhà có con đi học là điều tự hào.

Cách đây 10 năm khi mà nguồn vốn đầu tư nước ngoài rót vào các khu công nghiệp bắt đầu nhiều lên, Việt Nam bắt đầu connect với thế giới qua mạng Internet cũng là lúc chọn lựa ngành nghề của tôi của thế hệ 9X đầu tiên, là học sinh ở quê hầu như thông tin về chọn ngành chọn nghề cũng khá là mù mờ, những buổi hướng nghiệp theo giáo trình sách giáo khoa nhàm chán, thường là chọn nghề theo cảm tính mà khi đó phần đông theo học ngành CNTT, Kế toán, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng và ngành quản trị kinh doanh (Các ngành mà trường lớn trường nhỏ gì cũng có đào tạo), hệ quả là sau đó 5 năm hơn phân nửa số bạn bè tôi biết đều làm việc trái ngành vì nhu cầu tuyển dụng thì hạn chế nhưng số lượng thì thừa thải, nên nếu không thật nổi trội hoặc có mối quan hệ tốt thì đa phần chấp nhận từ bỏ ngành học để bắt đầu công việc khác.

Còn bây giờ, khi mà số lượng người xin việc có chuyên môn có đào tạo sau trung học phổ thông ngày càng nhiều mà nhu cầu mới dừng như tăng quá ít so với số lượng hiện tại thì là lúc chúng ta nên nhìn nhận một thực tế rất rõ ràng, ở xã hội chúng ta hiện tại vẫn đang cần nhiều thợ hơn là thầy. Mỗi người chúng ta khi sinh ra đều có những sở trường sở đoản riêng nên không thể nào so sánh người này với người kia được cũng giống như mỗi công việc trong xã hội đều có một vai trò có một hình thù riêng không nên so sánh lại với nhau. Ở Đức nền giáo dục của họ đã phân loại và định hướng chọn nghề nghiệp cho học sinh từ những năm tiểu học, qua giảng dạy và kiểm tra  giáo viên và phụ huynh đã định hướng cho học sinh theo học nhóm Hàn lâm  hay Thực hành nhưng dù theo học nhóm nào và làm nghề gì thì vị trí xã hội của họ ở Đức đều như nhau cả. Ở nước ta giáo dục hiện tại vẫn chưa giúp học sinh phát hiện được những điểm mạnh của mình và từ đó đưa ra chọn lựa đúng đắn.

Trước khi bước vào chọn ngành nghề cho mình, tôi nghĩ những câu hỏi cần giải quyết chính là bạn thích làm gì? bạn làm được những gì? chúng ta thao tác tốt trên màn hình vi tính thì chưa hẳn là chúng ta đã am hiểu toàn bộ về máy tính cũng như chúng ta thích vẻ bề ngoài của công việc chưa chắc là đã phù hợp với công việc đó. Và một điều quan trọng nữa là Năng lực theo học của mình đến đâu và trong túi gia đình có bao nhiêu tiền? Nếu gia đình có điều kiện thì chúng ta được phép sai lầm, được phép chọn nhầm nhưng đối với những gia đình bán trâu bò, ruộng vườn nuôi con đi học thì chuyện sai lầm là không được phép. Mình thấy rất nhiều trường hợp ba mẹ bán hết ruộng nương để nuôi con ăn học ở Sài Gòn nhưng khi tốt nghiệp lại không tìm được việc lại bỏ đi vào xí nghiệp nhà máy làm công nhân, không ít trường hợp bỏ học giữa chừng vì không thể kham nổi giáo trình đại học và không ít trường hợp nhận ra là mình không phù hợp để tiếp tục... sau tất cả những chuyện không may đó là gì, là tốn thời gian và nhiều tiền bạc để trả giá cho sự lựa chọn sai của mình. 

Chọn nghề cho mình chứ không phải cho mình và các bạn mình nên không cần phải giống số đông hay giống người xung quanh, chẳng cần phải học những ngành "sang chảnh" trong khi nội tại của mình là hạn chế, nếu không giỏi về học thuật hãy tin rằng mình là người giỏi về kỹ thuật, không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư họ bỏ tiền nhiều để xây các xí nghiệp may ở Việt Nam, mà theo sếp của tôi bảo trước khi đến đây họ đã nghiên cứu về Việt Nam mà ngoài lý do giá nhân công rẻ thì việc người Việt dùng đũa ăn cơm đã rèn luyện bàn tay trở nên khéo léo rất thích hợp trong việc may vá và công việc có tính chất tỉ mỉ. Thay vì bán ruộng đất để đi học một người bạn tôi đã chọn cách nghiên cứu trồng cây thâm canh trên chính vuông ruộng nhà mình, sau thời gian trồng trọt chăm bón khi chúng tôi vật lộn tìm việc thì hắn ở nhà bắt đầu thu thành quả của những năm nghiên cứu làm nông dân, hay một người bạn khác không đi học chọn học nghề sửa chửa xe máy bây giờ có thể ung dung ở nhà làm việc, ... hay các bạn đi học nghề giờ đều vận hành máy móc hay các quy trình công nghệ với mức đãi ngộ cao nếu không nói là cao hơn cả các công việc hành chánh.

Hãy chọn một nghề mà mình có thể phát huy được những năng khiếu và sở trường của mình, một cái nghề mà mình có thể làm tạo ra thu nhập nuôi sống mình và mọi người xung quanh, trong xã hội này nếu là làm ra những đồng tiền chân chính thì bất kể nghề nào cũng cao quý như nhau cả.

29.3.2017
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét