Ý kiến cá nhân và hiệu ứng bầy cừu
Chúng ta đang sống ở thời đại mà mạng xã hội trở thành trang "cơ quan ngôn luận" riêng của mỗi cá nhân, có rất nhiều điều được chia sẻ trên mạng xã hội mỗi ngày tốt có xấu có, đúng có sai cũng có, tạo hiệu ứng tốt có, tạo hiệu ứng xấu có, được tung hô như thần thánh có và bị ném đá, tẩy chay hội đồng của có. Mạng xã hội là tập hợp của rất nhiều nhóm người mang tư tưởng, đức tin và lý lẽ về cuộc sống khác nhau, thông qua trang cá nhân của mình họ mong được nhìn nhận bởi đám đông những điều họ viết hoặc họ tin tưởng là đúng đắn nhưng không phải lúc nào họ cũng được đáp lại bằng sự ủng hộ. Blog này mình muốn phân tích một số "quan điểm" mà cá nhân mình rút ra được sau hơn 7 năm tham gia mạng xã hội facebook.
1. Tôn trọng Ý kiến cá nhân của người khác như tôn trọng chính mình: Thông thường trong tất cả những blog mình viết thường mang đậm tính cách và quan điểm sống của cá nhân, tức là nó đúng ở góc nhìn của mình, nhưng có thể nó lại không đúng ở góc nhìn người khác và đương nhiên sẽ có một số người tán thành và không ít người phản đối. Với cá nhân mình, ý kiến cá nhân, tư tưởng, đức tin và triết lý sống của mỗi người đều đáng trân trọng, càng trưởng thành chúng ta càng khó thay đổi được "quan điểm sống" của mình và mọi người xung quanh cũng vậy thế nên thay vì công kích "cuộc sống" người khác thì hãy học cách tôn trọng quan điểm sống của người khác bằng một hành đông nhỏ thôi: Nếu không thích thì hãy chọn cách bỏ qua, những điều mình không quan tâm hoặc cho là trái với suy nghĩ của mình nhưng nó được chấp nhận trong xã hội hoặc không trái với pháp luật thì chúng ta không thể điều chỉnh nó bằng cách ném đá hay cho là sai trái, cuộc sống là riêng của mỗi người đừng dành thời gian để làm tổn hại đến "đức tin" của người khác mà hãy dùng nó để "tu sửa" cho cuộc đời mình.
2. Không nên áp đặt cuộc sống của mình vào người khác và cũng đừng nên đem cuộc đời người khác áp đặt lên chính bản thân mình, hãy tin là mình khác biệt so với phần còn lại: Không ít lần trong đời chúng ta đã can thiệp một cách thái hóa vào cuộc sống của người khác mà nói đơn giản hơn đó chính là buộc người khác phải phục tùng theo suy nghĩ của mình, với tư cách là người đi trước hoặc người từng trải điều chúng ta nên làm chính là định hướng hoặc đưa ra những lời khuyên hơn là bắt họ phải rập khuôn những gì mà mình đã trải qua, cuộc sống của họ tốt hơn hết là hãy để họ tự quyết định. Có không ít thời điểm trong đời chúng ta đã từng tự mình "bê nguyên xi" cuộc đời của một ai đó mà mình yêu mến để biến mình thành một bản copy của họ, nhưng thật sự chúng ta sẽ không thể là họ vì chính bản thân mình có suy nghĩ riêng và có con đường riêng của mình. Chúng ta thường sợ mình khác biệt với đám đông, sợ sự kỳ thị hoặc ánh mắt hiếu kỳ của họ nhưng chỉ khi chúng ta mạnh dạng chọn và sống theo cách của riêng bản thân mình mong muốn thì mình mới cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn, có rất nhiều đức tin trên cõi đời này nhưng đức tin quan trọng nhất vẫn chính là tin tưởng vào cuộc đời mình và sự lựa chọn của chính mình dù có sai đi nữa thì vẫn có thêm một bài học để hoàn thiện mình,vì bản thân mỗi người chính là một sự khác biệt.
3. Cách đây vài năm một người bạn gởi cho mình quyển sách TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG của Gabriel tarde và Gustave Le Bon, nếu có thời gian hãy đọc quyển sách này, nó mang lại cho bạn cách nhìn rất khác về "đám đông" và quan trọng hơn nó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc truyền đạt thông điệp đến số đông và bảo vệ mình trước việc mình trở thành một con cừu đen bị người khác chăn dắt. Rất nhiều người trong chúng ta cứ hùa theo đám đông mà chưa ít quan tâm đến nguồn cội của sự việc, chúng ta bỏ qua suy nghĩ và đánh giá sự việc để hùa theo đám đông, đám đông chưa chắc đã đúng trong số họ có không ít người giống bạn cứ mặc nhiên số đông luôn đúng nên lần lượt trở thành một bầy cừu bị một số ít chăn dắt vì tư lợi riêng của họ, hãy thật sự có trách nhiệm với nút share và like của mình, đừng để mình là con cừu của quyền lực truyền thông hay lợi ích của người khác trong vô thức.
4. “Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nhiều”- Spider-Man (2002): Với những người có địa vị nhất định trong xã hội thì cái nhìn của đám đông với họ càng khắc khe hơn và bản thân mình cũng nghĩ như thế, trách nhiệm của họ là hướng đám đông theo cái tốt, cái thiện hơn là hướng đám đông đến những chuyện "riêng tư" của người khác vì mục đích vụ lợi, có rất nhiều ca sĩ, diễn viên họ không ý thức được trách nhiệm truyền thông của mình và bán "rẻ" fanpage của mình cho các tờ báo chỉ luôn câu tin giựt tít và soi mói chuyện đời tư của người khác đó là lý do vì sao trên bản tin của tôi hầu như không có tin tức nào liên quan đến showbiz và tôi cũng không quan tâm họ làm gì, chỉ đơn giản là thưởng thức nghệ thuật nếu hay thì bấm like còn không thì bỏ qua, họ cũng là con người có đúng có sai, nhưng nếu đã dùng mạng xã hội để truyền thông thì hãy làm truyền thông một cách tử tế đừng vì một chút lợi ích mà biến đám đông thành một bầy cừu tùy ý để mình biến họ thành đen hay trắng.
5. Cuối cùng hãy cư xử như là một người tử tế và có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Xin được phép bê nguyên xi 7 nguyên tắc dùng Facebook của nghệ sĩ Thành Lộc để diễn đạt cho ý này:
- Không cùng quan điểm thì im lặng đi ra chứ không tranh cãi vì phải tôn trọng ý kiến của chủ nhà, trừ khi chủ nhà hỏi: "Các bạn thấy thế nào?".
- Không tự động nhào vô tư vấn chuyện này chuyện nọ nếu chủ nhà không có yêu cầu.
- Cái gì khen được thì khen cho người ta vui mà mình cũng không có bị chết. Tuyệt đối không chê bai làm bạn buồn, còn mình thì thành vô duyên!
- Cái gì không biết thì hỏi chứ đừng phát biểu lung tung để người ta nói mình dốt.
- Đọc kỹ status rồi hãy bình luận, đừng vội mới xem hình mà nổ ngay kẻo người ta nói mình ngu.
- Không nên tự nhiên gây lộn nhau trong nhà người khác kẻo người ta nói mình điên.
- Tuyệt đối tôn trọng quan điểm riêng của chủ nhà. Khi người ta không hỏi ý kiến thì đừng phô trương ý kiến thì mới là biết tự trọng.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian theo dõi.
26.12.2016
Lâm Mắt Kiếng
Nhận xét
Đăng nhận xét