Chuyện tiêu cực trên mạng xã hội

Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác ở Việt Nam đều có cảm tình khá tốt với người đến từ phía Tây bán cầu dù trước họ từng là kẻ thù không đội trời chung với đất nước và dân tộc. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước, trong xu thế toàn cầu hóa, câu chuyện quá khứ về chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác sẽ khép lại để một trang mới có thể bắt đầu. Kỷ nguyên hợp tác, liên kết và hội nhập- nơi con người sẽ không còn bị bó hẹp trong đường biên giới quốc gia về cả thể chất lẫn tinh thần- mà theo Tony buổi sáng đó là thời đại của CÔNG DÂN TOÀN CẦU.



Nhân sự kiện tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam, một chuyến đi lịch sử trong mối quan hệ của hai nước từng là cựu thù với nhau, sau tất cả người Việt Nam và người Mỹ lại là bạn, là một đối tác tin cậy của nhau. Trước sự kiện “lịch sử” này truyền thông mạng xã hội đã có không ít sự “lộn xộn” và “giả dối”do những tổ chức chính trị không được công nhận, những người còn mang lòng thù hận về cuộc chiến tranh đã ở quá xa sau lưng thực hiện, họ kêu gọi mọi người xuống đường tuần hành vì môi trường, kêu gọi mọi người làm điều này làm điều kia trong khi họ lại không có mặt trên mảnh đất hình chữ S: này. Những cuộc biểu tình vì môi trường do họ phát động lại mang màu sắc chính trị đòi quyền tự do này tự do kia, minh bạch này minh bạch thế kia nhưng quy cho cùng thì tự do cho ai, tự do vì cái gì và đặc biệt là những cuộc biểu tình đó có lợi ích gì, lợi ích cho ai? Một nhóm người xuống đường vì môi trường mà lại để lại “một bãi chiến trường” là rác, họ hô hào trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người vì giống nòi phải xuống đường bày tỏ quan điểm nhưng việc quan trọng giáo dục mọi người có ý thức bảo vệ môi trường thì không nghe nói gì hết, họ đòi môi trường sống cho cá trong khi hàng ngày người ta vẫn vô tư quăng rác khắp mọi nơi và hủy hoại môi trường sống của chính mình, vậy chúng ta được gì sau những chuyện “ôn hòa” đó, chẳng được gì hết. Trong khi đó chuyện 1 người Tây dọn rác ở Hà Nội- người ta là khách đến thăm viếng nhà mình phải thay chủ nhà dọn dẹp, điều này thật đáng xấu hổ. Vậy ai là người chịu trách nhiệm cho những núi rác, sông rác, hồ rác giữa thành phố thủ đô, chúng ta "bảo vệ môi trường trên mạng xã hội", chúng ta hô hào vì Trái Đất vì môi trường sống nhưng cuối cùng ngay chính nơi mình ở toàn rác- Điều đơn giản chúng ta có thể làm đó là phân loại rác ở gia đình, bỏ rác vào thùng rác, đừng ném "xác động vật" xuống kênh rạch, đừng quăng ném vỏ chai nước lung tung, chỉ làm những điều đó thôi là bảo vệ môi trường rồi- Chúng ta làm gương thì em út, con cái mình sẽ làm theo, từ từ cả xã hội sẽ ý thức, thế đấy.

Tiếp tục là chuyện những tờ báo từ chính thống đến phi chính thống từ những nhà báo đến những blogger cứ đưa tin giựt tít về những tiêu cực của xã hội, những chuyện “tào lao” của sâu bít, chuyện Minh Béo bị bắt tại Mỹ, chuyện “hậu trường” của những người nổi tiếng và nổi bật hơn hết là những vụ lùm xùm liên quan đến đài truyền hình quốc gia đó là chuyện VTV bị khóa tài khoản Youtube vì “mượn” clip của người khác mà không xin phép hay gần đây nhất là vụ phóng viên VTV dàn dựng chổi quét rau, và VTC đưa tin sai sự thật về vụ cá bị ngộ độc ở miền Trung. tất cả những sự kiện ấy làm “mạng xã hội” nháo nhào lên góp vui cùng sự kiện tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Truyền thông Việt Nam chúng ta đang “hòa nhập” khá nhanh với thế giới, các nguồn thông tin thì tràn ngập khắp mọi nơi mà nhìn đâu cũng thấy là tiêu cực, đúng là nước chúng ta còn nghèo còn nhiều điều hạn chế còn nhiều kẻ xấu nhưng không phải hầu hết ai cũng như vậy, cán bộ của chúng ta còn nhiều kẻ nhũng nhiễu, cửa quyền nhưng cũng có không ít những người có tư tưởng cởi mở và đổi mới, chúng ta phê phán cái sai nhưng lại quên tuyên dương cái tốt đẹp, chúng ta thích chỉ trích, phê phán người khác theo số đông mà không dám thừa nhận mình sai để sửa chữa. 

Chúng ta hay “tò mò” về cuộc sống riêng tư của người khác hơn là chú trọng đến việc hoàn thiện bản thân mình vì “mặc nhiên” trong suy nghĩ- chúng ta đã là hoàn hảo và có quyền “lên án”, “phê phán” hay “dạy dỗ” người khác. Chúng ta dành thời gian trong ngày để quan tâm đến sự tiêu cực của xã hội hơn là nghĩ cách khắc phục nó, chúng ta lên án, phê bình cuộc sống của những người có cách sống khác biệt hay có cách suy nghĩ khác chúng ta mà quên mất rằng ai cũng có quyền lựa chọn và sống theo cách riêng của mình, thế nên trước khi phê phán hay nhận xét về một người nào đó thì hãy ít nhất một lần đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Ai trong chúng ta đều có những câu chuyện mà không muốn chia sẻ với bất kỳ ai, chính những điều không muốn nhắc đến- chính những điều đấy đã tạo nên sự lựa chọn và cuộc sống của riêng mỗi người. Mình đã tôn trọng những giá trị những quyết định trong cuộc đời của mình thì tại sao không tôn trọng cách sống và cuộc đời của người khác?

Chúng ta quan tâm đến những chuyển động quanh mình, chúng ta quan tâm đến cái yếu kém và hạn chế, nhưng… điều quan trọng là hãy “quan tâm” một cách văn minh. Chúng ta lên án cái xấu để giáo dục mọi người xung quanh về cái tốt đẹp chứ không phải chúng ta “hả hê” trên lỗi lầm của người khác. Giữa một cơn bão thông tin tràn ngập trên mạng xã hội mỗi ngày, hãy ít nhất tìm đọc những thông tin mà nó có lợi cho bản thân mình, đọc nó khiến mình mở mang thêm nhiều điều, đọc vào thấy yêu đời yêu người hơn và hạn chế “xăm soi” cuộc sống riêng tư của người khác. Trước khi like hay share một nội dung gì trên mạng xã hội hãy suy nghĩ một xíu, mình share nó vì điều gì và mục đích gì, có gây tổn hại cho ai hay không và hãy sàng lọc thông tin thường xuyên, đừng biến mình thành người mù bị dắt mũi bởi những trò câu like câu view mà đâu đâu cũng gặp- Hãy là một người dùng mạng xã hội thông minh, văn minh và lịch sự.

26.05.2016
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét