Tuổi 25 của thế hệ 91

Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cách cảm nhận cuộc sống và tình yêu có màu sắc khác nhau, ngoài yếu tố tính cách, địa vị xã hội và những “áp lực khác nhau” từ môi trường trưởng thành, thời gian cũng là một trong những yếu tố tác động đến cách sống và cách yêu, chúng ta đang nói đến tuổi 25- cuộc sống và tình yêu của những người đang lơ lửng.



Nói tý xíu về năm 1991, năm với rất nhiều sự kiện lớn trên thế giới diễn ra:

Tháng 2/1991: Chiến tranh vùng Vịnh giữa Nam Tư và liên quân 30 nước lên đến đỉnh điểm và chấm dứt.

Tháng 6/1991: Liên bang Nam Tư tan rã nhà nước Croatia và Slovenia ra đời. Tại Việt Nam Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và đặc biệt hơn là vào ngày 27/6 ngày cuối cùng của Đại hội cũng là ngày sinh nhật của tôi :3

Tháng 8-9 /1991: Hàng loạt các nước Đông Âu tuyên bố độc lập tách ra khỏi Liên bang Xô Viết

11/1991: Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với nhau kể từ chiến tranh 1979

Tháng 12/1991: Liên Xô sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Và xuyên suốt trong năm 1991, là ngày sinh của một thế hệ chuyển giao- thế hệ 9X đời đầu.

Đấy, chỉ điểm sơ qua một vài sự kiện thôi đã thấy những người 25 tuổi chúng tôi được sinh ra trong một năm nhiều biến động của cả thế giới và trong nước. Xuyên suốt trong quá trình trưởng thành là được chứng kiến quê hương đất nước mình chuyển mình, xã hội đang trong giai đoạn chuyển giao của mới và cũ có nhiều giá trị mới đã du nhập nhưng không ít cái cũ vẫn chưa được bỏ đi nên hình thành một thế hệ đầy rắc rối, khó hiểu vừa rất trí tính nhưng cũng rất ư là mơ mộng.

Giờ thì vào nội dung chính, ở cái tuổi 25 khiến người ta biết là mình không còn nhiều thời gian để rong chơi, nếu không bắt đầu mọi chuyện ở tuổi này mà chậm hơn thì càng về sau thời gian càng ngắn và áp lực để thành công càng lớn nên khi đến cái tuổi lưng chừng này người ta rất hối hả về sự nghiệp lẫn hôn nhân. Nhưng cái áp lực 25 đó dường như hơi bị khác đi bởi thế hệ 91, nếu thế hệ 8X ngày xưa họ sinh ra và trưởng thành theo khuôn phép giáo lý tư duy cũ và những người bạn sinh từ 95 trở về sau sinh ra trong thời kỳ mọi thứ đều hội nhập thì những người thuộc thế hệ 9x đời đầu bị kẹt ở giữa giai đoạn chuyển giao ấy, nhưng cũng chính cái “kẹt” ấy đã sinh ra một thế hệ đầy mơ mộng và cách sống khác biệt..

Từ năm lớp 3 chúng tôi đã bắt đầu tiếp tục với quyển sách tiếng Anh, vừa học chính tả vừa học tiếng Anh đến năm lớp 6 thì đổi sách giáo khoa đại trà theo chương trình đổi mới giáo dục và từ đó đến hết năm 12 chẳng có cơ hội học sách cũ. Cũng trong sự kiện cải cách giáo dục, năm 2006 áp dụng hình thức xét tuyển và thi tuyển ở trường công lập và xóa bỏ hệ thống giáo dục THPT theo hình thức bán công. Thế nên, năm đó đứa nào thì rớt thì xác định là đi học bổ túc văn hóa ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc là nghỉ học luôn. Còn khi đi học, môn nào không biết thì cứ đi học thêm, giờ nhớ lại ngày xưa đi học đúng là cực khổ học biết bao nhiêu là môn nhưng khi lớn lên thì phần lớn các môn đó chẳng có xíu ứng dụng gì mà ngay cả thi cử cũng không có đề cương để học vì chương trình mới hoàn toàn đề cương đâu ra- giờ ngẫm lại thì thấy có rất nhiều bài học trong đời này chúng ta học miệt mài chỉ để cho một kỳ thi, thi xong coi như hết.

Ở cái thế hệ của tôi học để ra làm công chức hay vào các xí nghiệp nhà nước không còn là đích đến của toàn bộ học sinh như ngày xưa vì có quá nhiều ngành nghề mới đang bùng phát mạnh mẽ trong xã hội, nên đến năm thi đại học, cả đống ngành đống trường nhưng việc chọn ngành gì trường gì cũng chẳng biết, ba mẹ làm nông dân xung quanh mình thì toàn làm nông thế nên tới ngày điền hồ sơ thì mấy đứa học khá thì chọn ngành chọn trường điểm cao thi vô để ba mẹ nở mày nở mặt còn lại thì cứ công nghệ thông tin, sư phạm, kế toán, điều dưỡng,… Và hệ quả của ngày ấy là không ít người đi làm trái ngành nghề và tôi cũng không là ngoại lệ, một thế hệ học đi đôi với thí nghiệm của giáo dục trong một xã hội đang chạy đua hối hả đã biến chúng tôi trở thành những người dễ thích nghi và dễ chấp nhận, chúng tôi không quá xung khắc với các thế hệ khác, cũng không quá nổi nội so với họ nhưng chúng tôi là một tập thể đa dạng với xu hướng và cảm nhận khác nhau nhưng lại thống nhất trong một tập thể bình yên và hòa hợp nhất.

Chúng tôi đã chứng kiến mỗi xóm chỉ có 1 cái tivi 1 cái điện thoại bàn, những đêm tập trung nơi trụ sở ấp xem phim Châu Trinh Trì đến khuya rồi đến giai đoạn nhà nhà đều có ti vi rồi nhà ai cũng có đầu CD và điện thoại bàn, những chiếc điện thoại cục gạch đầu tiên mà năm 2006 ai trong lớp có 1 cái nokia là “hiện thân” của gia đình khá giả cho đến bây giờ thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ của điện thoại thông minh. Cái cảm giác nấu cháo điện thoại bàn thế nào à, đó là hàng ngày vào lớp ghi lại số điện thoại của từng đứa, sau đó viết thành một danh sách dán lên gần chỗ điện thoại, mỗi khi bố mẹ vắng nhà là lôi ra điện cho cái đứa mình thích vừa nói vừa cảnh giác. Năm 2010 thì hầu như nhà ai cũng có ít nhất 1 cái cục gạch, thời gian ấy thật rất khó khăn bộ nhớ bé nhỏ của chiếc điện thoại khiến mình luôn phải đắng đo nên xóa cái nào, thậm chí có lúc còn viết lại nội dung tin nhắn trước khi xóa, ngày nhắn cả 100 tin nhắn vẫn không đủ.

Thời của chúng tôi ngoài Khăn quàng đỏ, Mực tím, Kính vạn hoa và những tập truyện “toàn chữ” của Nguyễn Nhật Ánh là những bộ truyện tranh như: Đôrêmon, 7 viên ngọc rồng, Vua trò chơi, Đường đến khung thành, Conan rồi lớn một tý nữa là phải lòng phong cách thơ của Nguyễn Phong Việt và Hamlet Trương nhưng cũng không bỏ qua truyện Harry Poter của Mỹ và One Piece của Nhật, chúng tôi tiếp nhận những giá trị đẹp trong văn học nước nhà nhưng cũng thấm vào đó tinh thần rất “Nhật” qua truyện tranh điều đó tạo ra những con người lúc thì bẩn bựa vô đối nhưng cũng có lúc thì nghiêm nghị trang trọng và cũng có lúc trong rất yếu lòng, nói chung là tính cách biến đổi nhanh và khó đoán.

Không chỉ là ghiền truyện thôi, ngoài việc trải qua tuổi thơ đầy đủ trên cánh đồng với những trò chơi thả diều, trốn tìm, bắn bi, thảy đá, ô ăn quan, banh đũa như các anh chị 8X đó là trò xếp hình huyền thoại trên máy điện tử bấm rồi đến Contra, Mario trên máy điện tử băng, “Oánh dã thú” PES, trên máy PlayStation, Đế chế, Helplife trên máy tính bàn cho đến Yahoo chat, VLTK… Từ mạng LAN nội bộ đến mạng cùi chuối chỉ dùng để đọc báo rồi tới ADSL rồi tới mạng cáp quang như bây giờ, chúng tôi đã trải qua hết. “Tuổi thơ dữ dội và quá bận bịu” nên sinh ra một thế hệ cận thị và ít bia bọt hơn cha chú mình, mà theo nhận xét của các bậc cha chú Điểm sáng nhất trong thế hệ của chúng tôi chính là ít nhậu nhẹt bia bọt hơn thế hệ trước nhưng bù lại thỉ tự kỷ thích một mình nhiều hơn thế hệ trước.

Rồi đến phong cách nghe nhạc, từ cái việc nghe nhạc vàng ké của cha mẹ, thì cứ mỗi khi chiều chiều nghe đài phát thanh xã phát nhạc đỏ, nhạc Trịnh đến nghe nhạc trẻ, nhạc Hàn rồi nhạc Mỹ nói chung là nghe đầy đủ hết các thể loại nhạc. Phim ảnh thì đặc trưng vẫn là phim Châu Trinh Trì lúc nhỏ rồi đến Hoàn châu cách cách rồi đến phim Đài Loan (hầu hết coi chung với ba mẹ) sau lớn lên mới đến phim Âu Mỹ và phim thần tượng của các Oppa. Chúng tôi có thể vừa đi xem các siêu anh hùng Marvel giải cứu thế giới vừa xem Tôn Ngộ Không và các người bạn đến từ Trung Hoa cũng như xem các Oppa diễn mà gần đây coi cả phim của Thái. Sự đa dạng trong đời sống tinh thần dẫn đến sự chấp nhận cuộc sống một cách dễ dàng, chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều từ cuộc sống thứ chúng tôi đang làm là cảm nhận cuộc sống theo cách dịu dàng và ý nghĩa nhất có thể mà nói nôm na là chúng tôi thích cái đẹp trên đời này.

Nói về chuyện tình yêu đi, chắc là không có thế hệ nào lộn xộn như thế hệ chúng tôi khi quan niệm về tình chưa bao giờ có một định nghĩa rõ ràng và chắc chắn cả, có lúc thì muốn một tình yêu vừa nhanh vừa vội như kiểu phim Mỹ nhưng cũng có lúc lại muốn một tình yêu vừa lâu vừa bền như kiểu phim Hàn và thậm chí có lúc lại muốn một tình yêu thông qua mai mối y chan cha mẹ. Những người thế hệ chúng tôi hẹn hò sến súa với nhau cũng đầy nhưng FA thì cũng có thể nói là còn nhiều vô số vì bởi chưa có định nghĩa về tình yêu rõ ràng nên quan niệm thế nào là yêu, thế nào là chia tay cứ thế rối cả nùi lên có lúc yêu rồi chia tay chia tay rồi lại yêu rồi than vãn loay hoay mãi mà chẳng thấy đâu là bến bờ hạnh phúc.

Nói nãy giờ vậy điều gì là đặc trưng của thế hệ của chúng tôi ? Nếu nói thế hệ chúng tôi không có một đặc trưng gì rõ ràng là một thế hệ pha lẫn giữa mới và cũ, của hoài cổ và đổi mới đúng là không sai. Những người trưởng thành trong nhiều sự thay đổi lớn của xã hội, đầy những hoài nghi về cuộc sống, thích nghĩ nhiều, sống trí tính nhưng cũng rất hay mơ mộng, chúng tôi thích yên bình nhưng trong sự yên bình đó là nỗ lực mong muốn bản thân hoàn thiện hơn, có thể gọi những người thế hệ chúng tôi là những người sống theo thời đại mới nhưng mang tư duy chưa mới hoàn toàn có thể gọi như vậy.

Còn nói về tương lai sau này, chúng tôi cũng chưa biết nó thế nào đâu, muốn sống hết đam mê nhưng cũng muốn cháy hết mình và cống hiến hết mình, muốn được tự do tự tại nhưng luôn ghép mình vào những khuôn phép, muốn à mà thôi viết muốn và không muốn thì vài trang A4 nữa cũng chưa hết, nói chung chúng tôi nhìn tương lai một cách lạc quan nhưng cũng vô cùng bất định- Tôi là Lâm Mắt Kiếng cảm ơn bạn đã đọc hết cái blog đầy hoài niệm và mênh mang này của tôi.
25.03.2016
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét