Chuyện đi làm

Có một điều mà chúng ta bắt gặp ở rất nhiều công ty sản xuất đó là họ có lực lượng lao động rất lớn nhưng lại có sự biến động lao động cũng không hề nhỏ, tức là tỷ lệ nghỉ việc cũng cao theo tỷ lệ lao động mà theo Sếp mình từng nói: sau một cái Tết mà biến động lao động từ 25% đổ xuống thì là điều tốt lắm rồi chứ đừng nói là không có ai nghĩ, vậy vấn đề là ở đâu thì hôm nay mình múa rìu qua mắt thợ phân tích một chút.



Ở một số công ty sản xuất luôn tồn tại một nghịch lý: Lao động có trình độ cao lương lại thấp hơn so với lao động trình độ giản đơn, tức là người có đi học trường lớp bài bản, thi tuyển đàng hoàng vào công ty thì mức thu nhập lại thấp hơn so với những người làm lao động có trình độ chuyên môn thấp hơn mà theo tư duy của một số nhà quản lý là công nhân là người tạo ra của cải vật chất cho công ty (tức là doanh thu) còn bộ phận văn phòng là bộ phận thứ yếu (tức là chi phí). Do tồn tại nghịch lý người trình độ cao mức đãi ngộ không bằng người trình độ thấp nên dễ sinh tâm lý nản và thay đổi công việc là một trong những lựa chọn của họ, thay đổi để cải thiện thu nhập và để thấy được tôn trọng hơn.

Quan hệ của người chủ và người làm công là việc thỏa thuận mua bán sức lao động mà trong đó Pháp luật có quy định về hành vi, cư xử của hai bên với nhau là bình đẳng. Tuy nhiên việc bất bình đẳng luôn tồn tại trong môi trường lao động không chỉ ở công ty sản xuất mà ở cả các công ty thương mại dịch vụ và rộng hơn thì có cả các cơ quan hành chính của nước mình trong thời điểm hiện tại. Ít có cá nhân nào đủ bản lĩnh “tranh luận” hay “phê bình” sếp trong cuộc họp vì việc đó cũng đồng nghĩa đẩy bản thân mình ra khỏi cửa công ty, từ đó sẽ hình thành một nhóm người gọi là “trung thần” với sếp với nhiều đãi ngộ tốt hơn dù sức vả họ bỏ ra trong công việc không nhiều và nhóm không được gọi là “trung thần” đó thì dù giỏi tới đâu thì cũng không được nâng đỡ đề cử mà đôi khi vì “quá thẳng thắng” sẽ bị loại ra khỏi công ty. Chúng ta còn thấy ở đây một điều là hầu hết các cán bộ, quản lý ở các công ty sản xuất họ đều xuất phát từ người công nhân có trình độ văn hóa không cao qua quá trình làm việc có người thì do giỏi về chuyên môn có người giỏi “ngoại giao” trở thành cán bộ quản lý. Tuy nhiên hầu hết những công ty vừa và nhỏ đều bỏ qua giai đoạn chuyển tiếp tức là đào tạo những người chuẩn bị thành quản lý này kỹ năng nghiệp vụ về giao tiếp, cư xử và cả cách làm việc, cho nên dễ sinh ra việc quan liêu và hành là chính. Có không ít các bạn không thể trụ lại ở các công ty sản xuất vì không thể “chấp nhận được các cư xử tiểu nông” của những ông sếp chưa qua hết lớp bậc học phổ thông.

Một điều mà mình còn muốn nói ở đây không chỉ là ở những công ty sản xuất mà còn cả các công ty thương mại dịch vụ dạng từ kinh doanh hộ gia đình lên công ty, nhân viên không chỉ phải “dạ thưa” với sếp mà còn cả gia đình với gia đình sếp. Ngoài công việc được giao ra còn phải làm những chuyện vặt cho gia đình sếp như trông trẻ, pha café và sai vặt đủ thứ như đi chợ chẳng hạn. Còn ở một số công ty cổ phần ở nông thôn hoặc cận thành thị như mình thì làm nhân viên ở các công ty đó thật là khiếp, một cô kế toán phải báo cáo với 4-5 anh thành viên trong hội đồng quản trị mỗi ngày mà làm phật lòng ai cũng không được, anh sếp bảo làm, chưa kịp làm là các anh kia ý kiến kiểu ta đây cũng là chủ cứ kiểu “tập thể chủ” điều hành mỗi nhân viên, ai mà chịu cho được.

Viết nảy giờ, chắc các anh chị cũng thắc mắc: Công đoàn ở đâu, chủ tịch công đoàn làm gì mà không kiếm họ trình bày, xin thưa: chủ tịch công đoàn là ai? Họ cũng là nhân viên của công ty cũng nhận lương từ ban giám đốc, họ có dám mạnh miệng nói là các anh phải thế này thế kia không hay là họ cũng ậm ờ cho qua chuyện. Tôi thấy một điều cũng buồn cười ở không ít các công ty, công đoàn chủ yếu là đến tháng thu tiền rồi tặng quà nhân lễ Tết là xong, cuối năm được công đoàn cấp trên khen là vững mạnh vì đời sống công nhân quá tốt không ai phản ánh gì luôn, đúng là quá tuyệt vời.

Một môi trường làm việc tốt là nơi mà nhân viên và sếp có thể tự do tranh luận mà không có sự áp đặt ý chí, là nơi mà mọi người được đào tạo và thực hiện đầy đủ các quy tắc ứng xử trong công việc, có sự tôn trọng và bình đẳng, mọi người có thể tự do sáng tạo mà không phải lo vừa sáng tạo vừa trông con cho sếp hay vừa sáng tạo vừa phải nghĩ cách lấy lòng sếp, nơi là chủ tịch công đoàn có thể là “người bạn” để có thể trình bày về mọi thứ không phải chỉ là trong công việc mà cả trong đời sống tinh thần và cuộc sống hàng ngày, nơi làm việc mà mình đã nghe các bạn làm việc ở các công ty phương Tây kể lại như thế- nơi làm việc hoàn hảo mà ai cũng muốn đến, còn với các doanh nghiệp mà ông chủ còn "bảo thủ, thích được tung hô" thì tốt hơn hết thì hãy chịu đựng để có kinh nghiệm trước khi đủ cánh xa :)

27.1.2016
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét