Trái bóng tròn trong giấc mơ tuổi thơ
Một cánh đồng lúa vừa gặt còn nguyên đó những gốc rạ, một quả bóng bằng nhựa được nhét đầy rơm bên trong, một đội bóng toàn những cầu thủ ở trần và đội còn lại toàn những người mặc áo, chẳng có trọng tài nào ở đây , việc mang giày, mang dép khi vào sân là không hợp lệ, mọi tình huống được xử lý theo số đông quyết định, những cái cây được cắm tạm thành 2 khung thành, một trận đấu bắt đầu khi hoàng hôn dần buông xuống đến khi trăng treo trên đỉnh đầu,… và những tuổi thơ đã đi qua trên đôi chân trần trên sân bóng đầy gốc rạ.
Khi nắng chiều dần buông mình sau những rặng dừa thì cũng là lúc những đứa trẻ chúng tôi ùa ra ngoài đồng, có đứa thì chơi thả diều bên cạnh những chú trâu đang nằm dài mệt mỏi sau những ngày cày bừa, có đứa thì “quyết đấu” với nhau bằng những thanh kiếm gỗ tự chế và tưởng tượng mình là Triển Đại Hiệp trừ gian diệt bạo, và còn lại là chúng tôi, trong trận cầu Siêu Kinh Điển trên sân “ruộng”, 2 người có tuổi đời lớn nhất sẽ oẳn tù tì chọn đồng đội và tui luôn là sự lựa chọn cuối cùng vì nhỏ con và cận thị sau đó “hai đội trưởng” tiếp tục oẳn tù tì xem đội nào sẽ được mặc áo. Trận đấu được bắt đầu từ đôi chân của đội “không mặc áo” cùng theo tiếng hò hét từ hai bên, mỗi đội có khi là 5 người cũng có khi là 6, có những trận có tận 11 người mỗi đội thì sân bóng được huy động là cả vuông ruộng, trong trường hợp lẻ người thì thằng dở nhất được chỉ định vào đội được nhận định yếu hơn. Sân bóng đầy gốc rạ, bóng thì chứa đầy rơm nên chiến thuật chính được các đội áp dụng là tấn công tổng lực tức là có bóng là cả đội đều xông lên, khi mất bóng thì cả đội cùng bám lấy thằng có bóng, thế là cả bọn quần thảo nhau trên sân ruộng cho đến khi những gốc rạ không chịu nổi và nằm bẹp dính trên mặt ruộng.
Ngày ấy, chẳng phải Ronaldo cũng chẳng là Messi , cầu thủ nổi tiếng nhất mà cả xóm hâm mộ là chú Lê Huỳnh Đức số 10 của tuyển Quốc Gia Việt Nam, mọi người trong xóm tôi đều thuộc lòng tên các cầu thủ tuyển Quốc Gia và thời gian ấy chú Huỳnh Đức là thần tượng trong lòng những đứa trẻ, có rất nhiều người trong số bọn tôi đam mê chơi bóng đến mức muốn mình khoác lên mình chiếc áo Màu Đỏ số 10 ấy và vì không thể trở thành cầu thủ nên họ bây giờ mới có thể là thầy giáo, viên chức hay là công nhân viên làm việc tại các nhà máy mới xây dựng trên những sân bóng ngày xưa. Cảm giác được nhận đường chuyền từ đồng đội, bức tốc đột phá như chú Huỳnh Đức hay bắt chước chú Hồng Sơn đảo bóng, hoặc là tung một cú sút thật căng kiểu Đặng Phương Nam về phía khung thành thủ môn tất cả đều được thể hiện trong trận cầu kinh điển hàng ngày trên sân ruộng này. Mọi người cùng chạy theo quả bóng, cùng hét hò đến khô cả họng nhưng ai cũng hứng thú, cũng chạy với hết đam mê của mình, trái bóng tròn cứ lăn lăn trên mặt sân, tuổi thơ của tôi đi qua dần theo năm tháng, cái sân ruộng ngày xưa nay đã được san lấp thành khu công nghiệp mới, những khu dân cư mới, tiếng gọi mời vọng của tuổi thơ khuất xa dần theo tiếng gọi ồn ào của cuộc sống bon chen hàng ngày…
Những đêm cả xóm quay quần trên cùng 1 chiếc tivi , đội Tuyển quốc gia sẽ có trận đấu sòng phẳng với các cầu thủ Thái, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay theo từng đường bóng của qua chân của các cầu thủ, tiếng người lớn trẻ con hòa lẫn vào nhau trong không khí hân hoan khi đội nhà ghi bàn hay những tiếng thở dài khi nhìn thấy đội nhà bị thua cuộc … tuổi thơ đi qua rồi những trận cầu sôi nổi như thế ở lại một góc kỷ niệm trong ký ức của mỗi người, cũng là xem Đội tuyển Quốc gia thi đấu, nhưng chỉ mỗi một mình cùng với màn hình máy vi tính, đam mê thì còn nguyên đấy chỉ cảm thấy tiếc nuối cho tuổi thơ ồn ào bên chiếc ti vi, nhỏ ngồi trước , lớn ngồi sau , ai cao thì đứng… Tìm cảm giác ồn ào của một đám đông, hòa vào không khí cuồng nhiệt cùng các chàng trai U23 Tuyển quốc gia tại một quán café quen nhưng cũng là cảm giác lạc lõng đến kỳ lạ, mọi người xung quanh ít chú ý đến màn hình rộng nơi các cầu thủ đang thi đấu mà chú ý nhiều hơn đến màn hình smart phone của mình, rất nhiều status được chia sẻ về tỷ số trận đấu, về hình ảnh ra quán cổ vũ đội tuyển nhưng chẳng có tiếng la hay tiếng khen khi Công Phượng ghi bàn cũng chẳng ai quan tâm bình luận viên nói gì cả, mỗi người một việc, còn tôi thì cười khẽ trước những pha làm bàn của những chàng trai trẻ…
Có nhiều thứ sẽ mất đi khi chúng ta lớn lên , cùng hòa với cuộc sống hiện đại và hối hả nơi những trận cầu online điều khiển bằng tay thay thế đôi chân trên ruộng đồng, nơi mà tuổi thơ chúng ta đã đi qua, nơi chúng ta đã từng cảm thấy hạnh phúc sẽ không thể nào quay ngược thời gian để nó trở lại, những dòng ký ức về một trận chơi bóng trên sân ruộng với quả bóng bằng nhựa chứa đầy rơm sẽ là câu chuyện về trận cầu vui tươi và hấp dẫn nhất mà tôi đã từng tham gia hay trận chung kết năm 98, tôi và mọi người trong xóm cùng hò hét theo quả bóng tất cả xin được giữ lại đây, trong ký ức này, viết cho những điều tốt đẹp nhất mà ta chỉ có khi còn là một đứa trẻ, những trận cầu trong ký ức của tuổi thơ.
10.4.2015
Lâm Mắt Kiếng
Nhận xét
Đăng nhận xét