Viết tặng mẹ, viết cho những ngày vất vả đã qua
[Blog đoạt giải cuộc thi Hoa Tháng Ba] MẸ
"Nếu là con trai thì cha con anh sẽ bảo vệ em, nếu là con gái thì anh sẽ bảo vệ mẹ con em
Nếu là con trai thì ba cha con anh sẽ bảo vệ em, nếu là con gái thì hai cha con anh sẽ bảo vệ hai mẹ con em
Nếu là con trai thì bốn cha con anh sẽ bảo vệ em, nếu là con gái thì ba cha con anh sẽ bảo vệ hai mẹ con em."
"Nếu là con trai thì cha con anh sẽ bảo vệ em, nếu là con gái thì anh sẽ bảo vệ mẹ con em
Nếu là con trai thì ba cha con anh sẽ bảo vệ em, nếu là con gái thì hai cha con anh sẽ bảo vệ hai mẹ con em
Nếu là con trai thì bốn cha con anh sẽ bảo vệ em, nếu là con gái thì ba cha con anh sẽ bảo vệ hai mẹ con em."
Một cơn bạo bệnh, một sai lầm về chẩn đoán của bác sĩ ở huyện đã đẩy cha tôi đến ranh giới của sự sống và cái chết, … Người ta nói cha tôi bị ngộ độc rượu cho đến khi ông không còn biết mình nói gì nữa, mê sảng rồi bất tỉnh thì họ mới cho phép cha tôi chuyển viện. Đến Bệnh viện Nhiệt Đới, bác sĩ ở đây đã bảo với mẹ nên chuẩn bị tinh thần, lo hậu sự vì cha rất khó qua khỏi và nếu qua khỏi thì khả năng hồi phục rất kém và tốn kém chi phí và thời gian rất nhiều. “còn nước còn tát, cầu xin bác sĩ hãy cố gắng cứu anh ấy”, mẹ vừa nói vừa khóc , cha mắc chứng lao màng não nhưng lại bị tiêm nhầm thuốc ở bệnh viện cấp dưới nên tình hình vô cùng nguy kịch, bác sĩ hứa với mẹ sẽ cố hết sức nhưng 1 lần nữa lại bảo mẹ chuẩn bị tinh thần vì nếu cấp cứu thất bại thì cha sẽ khó qua được đêm nay, mẹ đã quỳ bên cạnh tượng Quan Âm suốt đêm hôm cha cấp cứu cầu xin 1 điều phép lạ, …
Ở trong kia phòng cấp cứu tôi biết cha tôi cũng đang gồng mình chống lại thần chết, cha còn lời hứa với mẹ với chúng tôi và cha chưa bao giờ thất hứa với mẹ con tôi cả, cha đi làm xa nhà, có khi 2-3 tháng mới về thăm nhà một lần, phần lớn thời gian đi làm ở đất khách, … Thời gian gần gia đình không bao nhiêu cứ phải tha phương cầu thực, ước mơ lớn nhất của cha là được nhìn thấy anh em chúng tôi nên người, học hành đến nơi đến chốn, phần thưởng dành cho cha chỉ đơn giản là những tờ giấy khen mà anh em tôi nhận được ở trường. Cha nói chỉ cần anh em tôi cố gắng học, dù khó khăn tới đâu cha cũng lo được.
Rồi điều kỳ diệu cũng đến với gia đình của tôi, ca cấp cứu thành công, chỉ đợi mỗi việc cha tỉnh lại, mẹ tôi vỡ òa trong nước mắt hạnh phúc đón người chồng đi về từ phía cõi chết, nhưng mẹ không ngờ đó là những ngày tháng sau đó lại là những ngày khó khăn mà không phải người phụ nữ nào cũng đủ sức vượt qua. Cha tỉnh dậy nhưng không nhớ ai cả, ngay cả người vợ người con cha thương yêu nhất cũng không nhận ra, cha không tự đi được, mẹ phải tập cha ăn tập cha đi lại, tập cho cha tự ăn uống, tập cho cha tự vệ sinh thân thể của mình… Sau khi rời viện, biến chứng của căn bệnh khiến cha trở thành một người điên loạn, cha bỏ nhà đi lang thang, chưởi bới người trong làng trong xóm, … Mẹ phải lo chạy thang thuốc cho cha, nếu những ngày tôi bận kiểm tra , thi cử trên lớp thì một mình mẹ chở cha đi đến bệnh viện cách nhà 20 cây số bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Cái cầu Rạch Miễu mới xây cao ngút vậy đã chứng kiến tôi và mẹ đèo cha bằng chiếc xe đạp cứ mỗi tháng một lần trong 2 năm như thế.
Làng xóm có người động viên nhưng cũng có người trách móc cha tôi chửi họ, ai cũng xem cha tôi là một gánh nặng, xua đuổi và kỳ thị ,… Có nhiều người thấy mẹ con tôi đến nhà thì lánh mặt, thế nào cũng mượn tiền mượn bạc. Ôm 3 đứa con còn nhỏ đứa học 11 đứa học lớp 7 đứa thì mới có 3 tuổi,… tiền thuốc men của cha hàng tháng, rồi tiền nợ nần do chi phí chạy chữa thuốc men cho cha trước đó,… thế mà mẹ không bao giờ có ý nghĩ cho anh em tôi nghĩ học, mẹ vẫn nói mẹ lo được; Cơm nước trong nhà phần ngon mẹ dành cho cha, mẹ nói mình khỏe ăn ít đi một tý không sao. Một mình mẹ gồng lưng gánh cả gia đình, ngoài đồng , mẹ tự mình vác bình xịt thuốc trừ sâu, tự mẹ ôm phân bón cho lúa,… cái công việc phải dành cho đàn ông, nhưng mẹ nói tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy, mẹ tự mình lo cho mấy công đất ruộng mà ngày trước thường thuê người ta làm. Mẹ trước đây là thợ cắt uốn tóc ở 1 tiệm salon lớn ở Sài Gòn , sau lấy cha về mẹ mở tiệm ở nhà tự làm, lúc có khách thì anh em tôi chạy xuống ruộng gọi mẹ về, xong mùa gặt thì mẹ đi làm ở lò nhãn gần nhà vào buổi tối cho đến tận sáng, hình ảnh người con gái Sài Gòn xinh đẹp mà cha tôi yêu mến trở nên tiều tụy vì gánh nặng của gia đình.
Tuy tất bật lo chuyện ngoài đồng, chuyện ở tiệm, rồi tối thì đi làm ở ngoài lò nhãn, nhưng mẹ vẫn dành thời gian để lo lắng cho cha, từ ngày đi khám ở bệnh viện 120 cha không còn bỏ nhà đi nữa, cha cũng không còn chưởi bới người khác, chỉ có điều cha trở nên im lặng, ít nói hơn hẳn. Mẹ nhắc cha uống thuốc đúng giờ, dạy cha mọi thứ trong nhà, từ tên của anh em tôi đến cái chén, cái tô, cái bếp, con gà, con cá… Cha tôi giờ phải học lại mọi thứ giống như thằng em trai Út 3 tuổi của tôi vậy.
Những ngày tháng khó khăn chồng chất ấy, tôi không nghĩ bất kỳ ai cũng có thể tự mình xoay sở và gánh vác được như mẹ , tôi vẫn hoàn thành chương trình phổ thông trung học rồi vừa làm vừa đi học cho đến bây giờ, Em trai tôi cũng đậu vào Đại học và đang theo đuổi giấc mơ cho riêng mình, em Út tôi nay cũng học lớp 3 rồi, tất cả chúng tôi không ai phải bỏ học vì gia đình khó khăn cả,… Vượt qua sự kỳ thị của mọi người, cha tôi dần bình phục, cha nhớ rất nhiều chuyện qua việc gợi ý của mẹ, giờ tuy không còn có thể lao động làm ra tiền được nữa,nhưng cha vẫn có thể phụ mẹ 1 vài công việc ở nhà. Niềm vui và sự hạnh phúc rồi cũng trở lại với ngôi nhà của tôi, tuy cuộc sống cũng còn thiếu trước hụt sau, nhưng trong nhà luôn đầy ấp những niềm tin rồi ngày mai đây mọi chuyện sẽ tốt hơn,…
Bao nhiêu gian khó đè nặng trên vai mẹ, nhưng chưa phút nào mẹ bỏ cuộc và lo lắng cho riêng mình, mẹ lấy thân mình che chở cho ước mơ đến trường của anh em tôi, bảo vệ cha, động viên cha trong cuộc sống giúp cha hồi phục lại như bây giờ. Với tôi những năm tháng nước mắt chan cơm ấy, những đêm nhà xiu vẹo giữa những cơm mưa đêm mẹ thức trắng để chăm sóc cha, những đêm ở ngoài lò nhãn mẹ tích góp từng đồng để lo cho gia đình, những ngày dầm mưa của mẹ trên đồng nhỏ cỏ, từng bình xịt thuốc mẹ mang trên trên cánh đồng, những trưa mồ hôi ướt đẫm bụng đói chở cha đi qua cây cầu Rạch Miễu mới làm để đến bệnh viện,… tôi không thể nào quên được, nó như mới xảy ra ngày hôm qua với gia đình tôi vậy.
Đã qua hết rồi những ngày tháng mẹ một mình giữa bốn bề giông bão cuộc đời, tôi giờ đã lớn khôn đã có thể cùng mẹ lo lắng cho gia đình của mình chứ không còn là cậu nhóc chỉ biết khóc cùng mẹ trong những lúc khó khăn nhất, với tôi những phút bình yên được mẹ và cha cùng các em ngồi ăn cơm cùng nhau là điều hạnh phúc. Trong cuộc đời này , điều làm tôi luôn lấy làm hãnh diện nhất là mẹ, và nếu có nhiều kiếp sau nữa tôi vẫn muốn tôi là con của mẹ,… Cảm ơn mẹ rất nhiều, con yêu mẹ !
17.03.2014
Lâm Mắt Kiếng
Nhận xét
Đăng nhận xét