Dòng ký ức

Tôi vẫn đang miên man trong những ký ức về ngày xưa, … cảm xúc của tôi gần đây đều chỉ để hoài niệm về nơi tôi sinh ra và lớn lên,… tôi cũng không nghĩ mọi thứ lại thay đổi nhanh như vậy, chỉ khi tôi đặt tay lên bàn phím và viết những dòng này.



Tivi mặt phẳng, truyền hình cáp, điện thoại ,xe gắn máy, nồi cơm điện, bếp ga và cả tủ lạnh … đều trở thành những thứ không thể thiếu ở mỗi gia đình trong xóm tôi bây giờ, thế mà chỉ cách đây hơn 10 năm một chút xíu , tất cả chỉ tồn tại trong ước mơ của một xóm nghèo trong huyện, nơi mà mọi người chỉ biết sớm chiều với đồng áng…

Ngày ấy, trong cả xóm tôi chỉ có 3 chiếc tivi và bác ba cạnh nhà tôi là chủ của 1 trong số những chiếc tivi thời đó,… mỗi tối khoảng 6h lũ trẻ như tôi tập trung ở nhà bác ba để xem chương trình những bông hoa nhỏ trên truyền hình Bến Tre, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Chú Chuột Không Gian là hai bộ phim hoạt hình đã đi vào ký ức tuổi thơ của tôi. Và ngày ấy mỗi khi có chương trình cải lương thì tiếng Mợ Ba tôi lại kêu ý ới mẹ tôi và các cô trong xóm lại xem cùng, hay những khi có những bộ phim nóng hỏi được trình chiếu trên tivi cũng thế, mọi người bàn tán về bộ phim đang chiếu, những nhân vật trong phim và cả dự đoán kết quả phim.

Vui nhất là khi đội tuyển bóng đá nam tham dự Sea Game hoặc Tiger Cup, căn nhà bác ba chật kín cả bởi mọi người trong xóm ai cũng yêu thích bóng đá, … Tiếng hét sút đi, sút hay tiếng vỗ tay vỡ òa khi chú Huỳnh Đức có một pha làm bàn vào lưới đội bạn, hay những pha đi bóng lắc léo của chú Hồng Sơn, mọi người cùng nhau hò hét khi tiếng còi kết thúc trận đấu và đội tuyển Việt Nam giành thắng lợi, … Và song song với niềm vui chiến thắng là những phút lặng lẽ của mọi người khi mà đội nhà thất bại, ai ấy buồn hiu nhà ai nấy về khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Người xóm tôi là thế họ yêu bóng đá, yêu đội tuyển Việt Nam và luôn hét hò mỗi khi trên màn hình màu áo đỏ đội nhà xuất hiện như thể họ là những cổ động viên cuồng nhiệt nhất đang trên khán đài cổ vũ đội nhà. Bây giờ thì khác ngày ấy mất rồi, nhà ai cũng có ti vi , thậm chí nhiều nhà đã có truyền hình internet, phim nhiều vô số, chương trình giải trí rất nhiều tha hồ mà lựa chọn nhưng dù hiện đại và nhiều lợi ích như vậy nhưng vẫn thấy tiếc, ngày xưa coi đá bóng đông người hò hét, bây giờ lẳng lặng chỉ mỗi gia đình mấy người ngồi coi cùng nhau, có khi nhà có nhiều ti vi thì mỗi 1 mình với chiếc tivi.

Tivi dần trở thành người bạn của mỗi gia đình thì khi ấy điện thoại cố định cũng trở thành hiện tượng,… Tôi nhớ khi tôi 6-7 tuổi cha tôi còn viết thư gởi về thăm mẹ con tôi (cha viết thư tình cảm lắm đó chắc nhờ vậy mà cha mới “dụ dỗ” được mẹ tôi bỏ Sài Gòn tráng lệ về với làng quê nghèo này), khi tôi vào lớp 4-5 gì đó thì ở ấp tôi mới có vài hộ có điện thoại cố định trong nhà, và mỗi lần nghe nhờ điện thoại là 2000 đồng, còn gọi đi là 3000 đồng/ phút. Từ khi tiệm tạp hóa trong xóm lắp điện thoại cố định thì cha tôi thường hay điện thoại về quê để hỏi thăm mẹ con tôi mỗi tuần hai ba lần gì đó. Mỗi lần cha điện thoại, chị bán tạp hóa thường chạy ra nhà nhắn mẹ vào nghe máy… Và gia đình tôi vẫn nghe nhờ điện thoại cho đến khi tôi bước vào lớp 8 thì gia đình tôi lắp ngay 1 cái trong nhà để tiện việc liên lạc. Không chỉ gia đình tôi mà mọi người trong xóm ai cũng điều lắp đặt điện thoại, những ngày đầu tiên… thật vui, mọi người ai cũng xin số điện thoại của nhau, rồi không biết chuyện làng, chuyện xóm hay chuyện đồng áng, chiếc điện thoại đều hoạt động hết công suất (mọi người ai nấy đều phấn khởi như thể mình đã là người hiện đại như Sài Gòn).

Chiếc điện thoại cố định cũng ghi dấu mối tình đầu của tôi, lần đầu tiên mến một người , thích một người… cái cảm giác đó thật đặc biệt,… Tôi đi học trên thị trấn tiếp xúc với những thứ mới mẻ và điện thoại di động là 1 trong những sản phẩm mà tôi rất thích bấy giờ, nhưng thích thôi làm gì có tiền cho những sản phẩm xa xỉ như vậy,… Tôi bắt đầu những bước chân đầu tiên ở đất Sài Gòn bằng công việc bồi bàn khi vừa kết thúc kỳ thi đại học,… đi xa nhà, nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ hai em và nhớ cả người đó. Người đó còn học ở trường vì nhỏ hơn tôi một khóa,… Dành dụm cả tuần, có khi không ăn cả sáng để tìm một cái điện thoại công cộng nào đó, điện thoại về cho người đó, hay là nghe ở đâu đó có làm sim sinh viên miễn phí, tôi đều đăng ký làm hết, rồi những lúc học nhóm, mượn được cái điện thoại của 1 đứa bạn, lắp sim và điện thoại ngay cho người đó, tranh thủ từng yêu thương, từng lời nói… Nhưng tiếc là không giữ được đến bây giờ, tình đầu mà mong manh dễ vỡ. Khi đã trải qua hàng tá cuộc tình, nói chuyện điện thoại và nhắn tin cuốn nhau mỗi ngày nhưng không làm tôi có cảm giác nhớ như ngày đó, cũng có thể là tình đầu nhưng cũng có thể là do càng trong gian khó người ta càng quý trọng hơn những điều mà họ có và tôi ngày đó cũng vậy.

Xe tay ga, điện thoại smart phone, laptop,… đều trở thành những điều bình thường xóm bây giờ, nhà nhà con cái ai cũng được đi học, tệ lắm là hết lớp 12, đường xá thì trải nhựa, điện nước internet đến từng nhà, ngoài đồng thì máy cày, máy cắt, máy dập liên hợp thay thế gần như hoàn toàn sức người. Khu công nghiệp cách xóm tôi chưa quá 3 km đã thay đổi bộ mặt nông thôn của xóm tôi, ai cũng đi làm công nghiệp, trong xóm chỉ còn những cô những dì tuổi đã cao trông em nhỏ và làm việc nhà, cho con cháu đi làm. Những buổi tiệc tùng cũng không còn những cây dừa nước, cây chuối, cây tầm vông "góp vui dựng rạp" mà dịch vụ tổ chức lễ cưới với rạp làm bằng kim loại đã sẵn sàng phục vụ, karaoke nhà nhà đều có hoặc “sang” 1 tí gọi luôn 1 giàn nhạc đến phục vụ ca hát đến khuya, … chuyện ôm đàn ghi-ta hay gõ nồi soong, chén đĩa ca hát khi đã có ít rượu trong người chỉ còn là chuyện của quá khứ… Ngay cả trong gia đình, vai trò người phụ nữ ngày càng quan trọng, nếu ngày xưa khi mấy bác nhậu nhẹt ở nhà tôi, tôi thường nghe mấy bác lấy chiến tích đánh vợ ra làm đề tài sôi nổi,… còn bây giờ thì hơi ngược lại… Lâu lâu tôi lại nghe chuyện vợ đánh chồng mà cụ thể là bác Sáu gần nhà tôi bị bạn nhậu gọi là Sáu Bắp vì đi nhậu chưa được vợ cho phép bị vợ đánh ở đám bắp nên gọi là Sáu Bắp (tôi nghĩ sau này Luật phải sửa thêm chống bạo hành nam giới nữa mới được hì hì).

Thời gian trôi, mọi thứ đang dần thay đổi, đang dần khác đi mỗi ngày, tôi nghĩ 10 năm nữa sẽ lại khác nữa, khi ấy có thể nơi tôi ở có khi đã là 1 thành phố sầm uất người qua lại, hay là những khu nhà chọc trời cũng nên. Tuy có chút luyến tiếc về cái tuổi thơ đẹp đã trôi qua nhưng không phủ nhận 1 điều sự đổi mới đã biến quê hương tôi trở nên hiện đại hơn và người lao động quê tôi đỡ vất vả hơn trong công việc hàng ngày, những kỷ niệm về thời mới xuất hiện chiếc ti vi, cái điện thoại và tình xóm làng ngày ấy với tôi hơn là 1 kỷ niệm là những bài học về tình xóm làng, về con người và cả về cách trải nghiệm cuộc sống…
13.07.2013
Lâm Mắt Kiếng

Nhận xét